Bản đồ bất động sản là thứ không thể thiếu khi kinh doanh bất động sản. Vậy bản đồ bất động sản là gì?. Mục đích sử dụng bản đồ bất động sản?. Hãy cùng batdongsan.Reviews tìm hiểu nhé
1. Bản đồ bất động sản là gì?
- Bản đồ bất động sản là một dạng bản đồ thể hiện các đồ họa và ghi chú. Giúp cho người đọc có được những thông tin về: Ví trí, ý nghĩa, trạng thái pháp lý của thửa đất, căn nhà và những đặc điểm khác thuộc địa chính quốc gia.
- Hiểu đơn giản, bản đồ bất động sản là bản đồ thuộc chuyên ngành đất đai trên đó thể hiện chính xác các vị trí ranh giới, diện tích và những thông tin địa chính của từng thửa đất, vùng đất. Khi xem bản đồ bạn có biết thêm các yếu tố địa lý khác liên quan đến đất đai được thành lập theo đơn vị hành chính cơ sở xã, phường, thị trấn và thống nhất trong phạm vi cả nước.
2. Mục đích sử dụng bản đồ bất động sản
- Bản đồ bất động sản được lập ra với 4 mục đích như sau:
+ Thống kê, kiểm kê diện tích đất đai từng khu vực hoặc trong cả nước.
+ Xác lập quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất trên từng lô đất cụ thể của nhà nước và mọi công dân.
+ Là công cụ giúp nhà nước thực thi các nhiệm vụ, công việc có liên quan đến đất đai: thu thuế, giải quyết tranh chấp, quy hoạch đất đai, đền bù,…
+ Cung cấp thông tin về đất đai và cơ sở pháp lý cho các hoạt động dân sự như: thừa kế, chuyển nhượng, cho, tặng, thế chấp, kinh doanh bất động sản…
3. Những loại bản đồ bất động sản.
Loại 1: Bản đồ vị trí, bản đồ hiện trạng và bản đồ hiện trạng vị trí.
Loại bản đồ này điều thể hiện 2 đặc điểm của một khu đất đó là “ Hiện trạng” và “ vị trí”.
+ Hiện trạng: Bản đồ hiện trạng chỉ thể hiện hiện trang ngay khi vẽ. Ví dụ như là bản đồ hiện trạng khi vẽ ở tuần này sẽ có con đường, nhưng khi vẽ ở tuần sau thì không có con đường đó nữa nghĩa là con đường đó mới bị bỏ đi.
+ Vị trí: Thể hiện vị trí của khu đất, kèm theo 1 bảng tọa độ gọi là Tọa độ góc ranh.
Loại 2: Bản đồ quy hoạch
Loại bản đồ này thể hiện quy hoạch của một khu đất là loại đất gì.
+ Quy hoạch định hướng không gian: Là loại có thời hạn và tầm nhìn trong nhiều năm tới. Dùng để mô tả cụ thể là khu vực nào sẽ làm cái gì.
+ Quy hoạch 1/2000: là loại do nhà nước duyệt, có tính pháp lý để tham khảo. Độ chính xác cao hơn, vị trí các con đường lớn chính xác đến centimet. Loại này được tách thành nhiều loại theo thời gian (hiện trạng, ngắn hạn, dài hạn) hoặc theo chức năng (sử dụng đất, giao thông, mạng lưới cấp nước, điện, cầu, đường ống…).
Ảnh Bản đồ quy hoạch 1/2000
+ Quy hoạch 1/500: Được xây dựng trên cơ sở 1/2000 nhưng chi tiết hơn, rõ ràng đến từng tuyến đường nhỏ và các lô đất bên trong. Quy hoạch 1/500 do doanh nghiệp tự lập và có thể điều chỉnh trong phạm vi được cho phép. Quy hoạch 1/500 quan trọng nhất mà khách hàng cần quan tâm là loại Quy hoạch phân lô.
Loại 3: Bản đồ địa chính.
+ Dạng hợp thức hóa: Trường hợp này là đã có sẵn đất nhưng chưa có bản đồ. Quá trình làm sổ thì cơ quan nhà nước sẽ đo và lập bản vẽ theo từng đợt, từng thửa to hay nhỏ tùy vào hiện trạng dân đang ở như thế nào. Đo xong thì hợp thức hóa, gọi là “hợp thức hóa hiện trạng”.
+ Dạng đo vẽ theo yêu cầu doanh nghiệp để cấp sổ mới: Trường hợp này là trong Dự án, doanh nghiệp sau khi có 1/500, làm hạ tầng xong, sẽ đề nghị nhà nước đến đo vẽ lại các thửa để cấp sổ.
- Trường hợp doanh nghiệp làm Dự án thì họ sẽ mua tất cả đất theo bản đồ hình thành ở cách 1, sau đó xóa đi, phân lô theo cách mới ở quy hoạch 1/500, làm hạ tầng, xong đề nghị nhà nước đo vẽ lại tạo ra bản đồ giải thửa mới.
- Trường hợp cá nhân tự phân lô để bán thì thường họ sẽ gom mấy miếng đất đã có sẵn theo cách 1, rồi trổ con đường, tự cắm mốc phân lô, xong đề nghị nhà nước hợp thức hóa theo hiện trạng.
- Như vậy, doanh nghiệp làm dự án thì phải lập quy hoạch 1/500 theo quy chuẩn quy hoạch; còn cá nhân thì làm theo dạng tự phân lô và hợp thức hóa theo quy định về phân lô, dễ hơn so với quy chuẩn quy hoạch.
4. Hướng dẫn trích lục bản đồ địa chính
4.1 Trích lục bản đồ địa chính là gì?
- Trích lục bản đồ địa chính là cơ sở giúp người sử dụng đất biết được các thông tin về diện tích, hình dáng, vị trí,.. của thửa đất trên thực tế mà mình muốn trong các giao dịch nhà đất. Nếu bạn chưa hiểu rõ có thể tham khảo dưới đây:
- Theo phụ lục số 13 ban hành kèm theo thông tư 25/2014 quy định về bản đồ địa chính thì trích lục bản đồ địa chính sẽ bao gồm những thông tin về thửa đất:
+ Diện tích thửa đất.
+ Mục đích sử dụng đất.
+ Tên người sử dụng đất và địa chỉ đăng ký thường trú.
+ Các thay đổi, biến động của thửa đất so với giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất.
+ Bản vẽ thửa đất: sơ đồ thửa đất và chiều dài rộng thửa đất.
- Từ các thông tin trên cho ta thấy trích lục bản đồ địa chính là sao chép những thông tin và xác thực những thông tin trên thửa đất.
4.2 Xin trích lục hồ sơ địa chính ở đâu?
- Theo điều 29 Thông tư 24/2014 quy định về hồ sơ địa chính quy định về phân cấp quản lý hồ sơ địa chính trong đó có văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp trích lục hồ sơ địa chính nếu như người dân có yêu cầu.
Ảnh UBND xã hoặc VP Đăng ký đất đai có quyền trích lục hồ sơ địa chính
- Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện quản lý các tài liệu gồm:
+ Bản lưu giấy chứng nhận, sổ cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
+ Hệ thống hồ sơ thủ tục đăng ký của các đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận, thực hiện đăng ký đất đai
+ Bản đồ địa chính và các loại bản đồ, tài liệu đo đạc khác sử dụng trong đăng ký, cấp giấy chứng nhận.
+ Sổ địa chính được lập cho các đối tượng thuộc thẩm quyền đăng ký và sổ mục kê đất đai đang sử dụng trong quản lý đất đai đối với nơi chưa xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính
- Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý bản sao bản đồ địa chính sổ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ tiếp nhận và trả kết quả đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với các trường hợp nộp hồ sơ đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Theo thông tư 02/2014 thì phí trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính sẽ không quá 15.000 đồng/1 lần.
4.3 Sổ đỏ và trích lục bản đồ địa chính
- Đối với một mảnh đất chưa có sổ đỏ, trích lục bản đồ địa chính thửa đất đó là một trong những giấy tờ quan trọng trong hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Theo khoản 3 Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì khi đăng ký lần đầu giấy chứng nhận và đăng ký bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất ở chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi thì văn phòng đăng ký đất đai sẽ trích đo địa chính thửa đất hoặc trích lục bản đồ địa chính.
- Ngoài ra, việc cấp lại đăng ký đất đai cũng cần trích lục bản đồ. Theo khoản 3 Điều 77 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì khi bị mất và yêu cầu cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trích đo địa chính thửa đất hoặc trích lục bản đồ địa chính đối với trường hợp chưa trích đo địa chính thửa đất và chưa có bản đồ địa chính.
Hy vọng thông qua bài viết, sẽ giúp các bạn hiểu được bản đồ bất động sản là gì? Và những thông tin liên quan như: Mục đích của bản đồ bất động sản cũng như biết cách xin trích lục bản đồ địa chính sao cho đúng chuẩn. Nếu có thắc mắc gì về bản đồ bất động sản, bạn hãy liên hệ website batdongsan.Reviews để được giải đáp.